Những đặc điểm của văn hóa Yayoi Thời_kỳ_Yayoi

Bình gốm thời Yayoi. Bảo tàng quốc gia Tokyo.

Những người Yayoi đầu tiên có thể đã xuất hiện ở miền bắc Kyushu và sau đó chuyển lên hòn đảo lớn nhất Nhật Bản Honshu, nơi họ nhanh chóng thay thế người thời kỳ Jomon bản địa. Mặc dù kỹ thuật chế tác đồ gốm của người Yayoi tiến bộ hon so với người Jomon (đồ gốm được sản xuất trên một chiếc bàn xoay), đồ gốm của người Yayoi lại được trang trí đơn giản hơn. Người Yayoi cũng chế tác ra những chiếc chuông dùng cho nghi lễ, gương và vũ khí bằng đồng. Vào thế kỷ I, họ bắt đầu sử dụng các công cụ nông nghiệp và vũ khí bằng sắt.

Khi dân số người Yayoi tăng lên, xã hội của họ trở nên phức tạp hơn. Họ dệt len, sống định cư trong những ngôi làng làm nông nghiệp, xây dựng các kiến trúc bằng đá và gỗ, bắt đầu xuất hiện những người giàu có sở hữu nhiều đất và tích trữ được nhiều lương thực dẫn đến việc phân chia ra các đẳng cấp xã hội khác nhau. Sự phát triển này có thể bắt nguồn từ nền văn hóa làm thủy lợi và trồng lúa nước ở lưu vực sông Dương Tử miền nam Trung Quốc. Cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng cây lúa đã được đưa vào Nhật Bản qua đường Triều Tiên, nhưng những phân tích DNA gần đây đã phủ nhận điều đó. Văn hóa lúa nước dẫn đến việc phát triển của một xã hội nông nghiệp định tư tại Nhật Bản. Tuy nhiên, không giống như ở Triều Tiên và Trung Quốc, những thay đổi về chính trị và xã hội ở quy mô địa phương tại Nhật Bản quan trọng hơn các hoạt động của chính quyền trung ương trong một xã hội phân chia đẳng cấp.